Đặc sản Quảng Bình là những món ăn dân dã, có rất nhiều loại, cũng như bao vùng đất khác, ngoài những món ẩm thực được dùng tại chỗ thì Quảng Bình còn có những sản phẩm ẩm thực phục vụ cho khách du lịch làm quà cho người thân, bạn bè và gia đình.
Để có được những món quà độc đáo ý nghĩa sau chuyến du lịch Quảng Bình xin giới thiệu với du khách một số món ăn làm quà đặc sản của vùng đất này.
Những đặc sản Quảng Bình du khách nên mua về làm quà sau chuyến du lịch Quảng Bình như: Bánh tráng Tân An, hải sản khô, khoai gieo, rượu Võ Xá … Đây đều là những sản phẩm gắn liền với những làng nghề nổi tiếng kết tinh các giá trị văn hóa truyền thống của người dân Quảng Bình.
1. Địa chỉ mua Đặc sản Quảng Bình
- Các chợ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình: chợ Đồng Hới, Chợ Ga Nam Lý, Chợ Ba Đồn, Chợ Hoàn Lão ( Bố Trạch ), Chợ Cảnh Dương, Chợ Võ Xá ( Quảng Ninh ) …
- Siêu thị Đặc Sản Quảng Bình – Rose City: 103 đường Trương Pháp, TP Đồng Hới.
- Siêu thị Đặc Sản Miền Trung – Xứ Quảng: 185 Trương Pháp, TP Đồng Hới
- Siêu thị đặc sản 24h Địa chỉ: Quốc lộ 1A Bố Trạch đường tránh thành phố
- Hải sản Làng Chài Sỹ Hằng đường Đồng Hải, TP Đồng Hới
- Hải sản Quang Hường đường Trương Pháp, TP Đồng Hới
- Siêu thị coopmart quảng bình: đường 23 Tháng 8, TP. Đồng Hới
- Cửa hàng thực phẩm sạch Đông Dương 297 Trần Hưng Đạo, TP. Đồng Hới
- Cửa hàng thực phẩm sạch An Nông 63 Lý Thường Kiệt hay 97 Trần Hưng Đạo, Tp Đồng Hới
- Cửa hàng Sâm Bố Chính đường Lý Thường Kiệt, Đồng Hới, Quảng Bình
2. Các Đặc sản Quảng Bình nên mua về làm quà
Quảng Bình nổi tiếng với bờ biển Nhật Lệ, những hang động độc đáo và nền ẩm thực đậm nét khiến du khách không bao giờ quên. Nếu bạn đến đây mà chưa biết mua đặc sản Quảng Bình về làm quà thì sao? Vậy thì hãy đọc bài tiết lộ dưới đây ngay nhé!
2.1. Khoai deo Quảng Bình
Khoai lang là món ăn dân dã, quen thuộc với người dân mỗi vùng miền từ khoai có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau từ bình dân đến sang trọng như khoai nướng, khoai chiên, khoai luộc, khoai nấu canh, khoai nấu chè, khoai làm bánh, làm mứt… Nhưng khoai deo thì không phải ai cũng biết đến. Đó là đặc sản Quảng Bình chỉ ở nơi đây mới có.
Thưởng thức khoai gieo mọi người sẽ có cảm giác là lạ, mà lại quen quen. Những ai mới thưởng thức lần đầu sẽ thấy quen nhưng khó có thể nhận ra đó là khoai lang. Nhưng thử một lần sẽ “nghiện” và nhớ mãi hương vị của nó.
Khoai gieo từ lâu đã trở thành đặc sản của Quảng Bình. Người ở phương xa về, hay người từ nơi khác đến lúc ra đi, không ai mà không mang theo thứ khoai deo đậm đà hương vị đất Quảng này làm quà.
Những ngày thời tiết se lạnh, có dăm bảy miếng khoai gieo với chén trà nóng thì còn gì bằng. Đưa từng miếng khoai lên miệng, rồi nhấp ngụm trà. Vị ngọt, dẻo của khoai kết hợp với vị hơi đăng đắng của trà và hương thơm nồng nàn tạo nên một dư vị khó quên!
Địa chỉ mua khoai gieo đặc sản Quảng Bình:
- Hợp tác xã chế biến khoai gieo Hải Ninh: Tân Định, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh. ĐT: 0164 585 9497.
- Đại lý khoai gieo tại Đồng Hới: 173 Hai Bà Trưng, TP. Đồng Hới. ĐT: 09912 589 161 – 0166 894 2216.
- Đại lý khoai gieo Linh Huệ ngõ 60 trường chinh, Bắc lý, Đồng Hới
- Đại lý khoai gieo Hải Ninh CHỊ TÝ: 178 Nguyễn Văn Cừ, TP. Đồng Hới. ĐT:01689699636
2.2. Hải sản khô và Mực khô
Quảng Bình có đường bờ biển trải dài nên các loại hải sản khô rất phong phú và đa dạng như cá khô các loại, khuyếc (Ruốc) khô bạn có thể mua về làm quà. Đặc biệt mực khô là một trong những đặc sản Quảng Bình nổi tiếng của người dân xứ Quảng.
Mực khô được đánh bắt từ vùng biển Quảng bình có thân dày, độ ngọt cao..những đặc điểm có được nhờ biển Quảng Bình có độ mặn cao. Theo những người chuyên nghề câu mực thì họ hàng nhà mực gồm nhiều loại: mực lá, mực ống, mực tuộc, mực ghim… tất cả đều ngon và bổ.
Dân chài đi câu mực thường vào lúc 1 – 2 giờ sáng. Chiếc thuyền lớn chở các “thúng” ra đến ngoài khơi xa, người câu mực ngồi vào thuyền thúng và bắt đầu công việc của mình. Dưới ánh sáng của bóng đèn tròn, mực lá cứ tự tiến đến gần, người câu mực câu lên khá dễ dàng. Khoảng thời gian câu mực kéo dài từ 2 giờ đêm đến 10 giờ sáng.
Câu được con mực nào, họ bỏ lên thuyền, có người chuyên lột da, xẻ mực và treo mực thành hàng lên sợi dây căng sẵn, hoặc họ sẽ mổ mực và phơi ngay lúc thuyền cập bến.
Khi nướng mực cần nướng kỹ trên lửa than liu riu, không để lửa già. Con mực có mầu trắng tinh, khi nướng chín chuyển sang mầu vàng. Lửa nướng vừa phải, con mực sẽ chín, cả trong cả ngoài, bay tỏa mùi thơm ngon ngọt tự nhiên. Nếu để lửa già quá, con mực chỉ cháy vàng bên ngoài, còn bên trong thịt vẫn sống.
Đặc biệt mực nướng bằng cồn là ngon nhất. Món mực không chấm với các loại nước chấm nào khác ngoài tương ớt. Khi ăn miếng mực ngọt lịm, mềm mềm, thơm phức, hòa quyện với vị cay nồng của tương ớt, đây là một món đặc sản Quảng Bình được nhiều du khách lựa chọn mỗi khi chiều về bên Nhật Lệ.
Cách chọn mực khô ngon:
Những con mực tươi ngon được phơi khô thì sẽ có lớp phấn trắng phủ trên toàn thân rất dày. Ấn tay vào mực không bị dính tay, không thấy có độ ẩm, tay khô ráo cùng với mùi thơm đặc trưng thì chứng tỏ mực khô ngon được phơi dưới nắng tự nhiên. Màu mực có độ đỏ hồng tự nhiên vừa phải, tươi tắn, màu sắc không quá đậm.
Bạn cũng nên kiểm tra phần đầu và thân mực có dính liền với nhau hay không. Nếu là mực tươi ngon thì phần thân và đầu dính chặt, không bị rơi, không bong. Bên cạnh đó bạn cũng cần chú ý đến độ dày của thịt mực.
Không ham con quá to cũng không chọn loại quá nhỏ. Chỉ nên chọn những con vừa phải, thịt càng dày càng tốt, thân thẳng. Khi nướng loại này sẽ nở thành từng thớ thịt, xé ra rất bông và ngon, vị đậm đà, dễ xé.
Địa chỉ mua mực khô Quảng Bình:
- Các chợ của Quảng Bình, đặc biệt là tại các chợ của những vùng ven biển như: chợ Đồng Hới, chợ Hoàn Lão, chợ Cảnh Dương, chợ Thanh Khê…
- Cửa hàng hải sản Hải Hà đường Linh Giang, Tp Đồng Hới
- Cửa hàng hải sản khô Lâm Nhung: Đường Hương Giang, TP. Đồng Hới (ngay chợ Đồng Hới).
- Cửa hàng hải sản Ngõ 75 Lê Thành Đồng, TP Đồng Hới, Quảng Bình
2.3. Mắm Ruốc Quảng Bình
Con ruốc là loài giáp xác 10 chân, dạng như con tôm nhỏ, chỉ lớn 1-4cm. Người trong Nam gọi “tép” nhỏ, người Hà Tĩnh gọi “moi”, người miền Trung gọi “khuyết”.Ruốc là loại sinh vật nhỏ bé, giống như hạt cát, có màu nâu đỏ và mùi tanh của tôm cá. Đây là đặc sản Quảng Bình không dễ có ở những vùng quê khác.
Ở vùng cửa biển Nhật Lệ, ruốc tháng sáu ngon nhất. Ngạn ngữ Đồng Hới nói: “Ruốc tháng Sáu là máu rồng”. Đó là một cách nói ẩn dụ, hàm ý rằng ruốc tháng sáu quý hiếm vì ít năm ruốc tràn về trong tháng Sáu và đối với người Việt chúng ta, cái gì thuộc về rồng, phượng đều mang ý nghĩa tốt, đẹp, hiếm quý; đồng thời ngạn ngữ này cũng mang ý nghĩa so sánh: ruốc tháng Sáu làm ra đỏ như máu rồng. Thế là theo dân gian, ruốc tháng Sáu ngon quý về chất, đẹp về màu sắc.
Tới mùa, cứ 1 tô muối, 5 – 7 tô ruốc tươi hay nhiều hơn nữa tùy chế biến mặn – lạt, ướp chừng một ngày rồi đem vắt thật xiết con ruốc cho ra nước đem phơi – gọi là mắm tròn. Lấy xác ruốc phơi khô, quết mịn bỏ vào vịm mắm tròn, khuấy đều, phơi nắng.
Đến khi đảo, dậy mùi thơm là có thể dùng được. Mắm ruốc đặc sệt, có mùi thơm đặc biệt đâm tỏi, ớt, đường, chanh pha mắm ruốc vào ăn với cơm trắng cũng… cạn tô , dùng để chấm với rau, dưa, cà, thịt luộc hay bún, bánh đúc… đều khỏi chỗ chê
Con ruốc tươi luộc, nấu canh rau, canh khoai tía, khoai môn nhiều lúc ngon ngọt hơn tép. Còn con ruốc khô như một loại thực phẩm “cứu sinh” người dân nghèo miền Trung.
Khi mùa giông bão tới cũng là lúc ruốc khô đã yên vị từng bao trên dàn bếp, chợ búa khó khăn, xúc con ruốc khô ra nấu với mồng tơi, đọt khoai sau hè nhà. Bào vài trái dưa leo, đâm nước mắm tỏi ớt, rang sơ con ruốc khô với ít mỡ; tất cả bóp chung lại thành món gỏi mát miệng, mặn mòi mà ngon lạ.
2.4. Nhút tép đồng Lệ Thủy
Lệ Thủy được gọi là vựa lúa của Quảng Bình với những cánh đồng mênh mông đến tận chân trời. Đây chính là điều kiện sống lý tưởng của loài hải sản nước ngọt đặc biệt mà không phải vùng, miền nào cũng có đó là tép. Bao đời nay, người dân Lệ Thủy đã chế biến con tép thành nhiều món ăn dân dã mà ngon miệng trong đó phải kể đến món Nhút tép đồng.
Ngày xưa nhút là món ăn dân dã làm thức ăn chính trong mùa rét của nhà nông. Có nhà làm cả vại to cất ăn dần vài tháng sau Tết. Ngày nay, nhút tép Lệ Thủy đã trở thành đặc sản nổi tiếng có thương hiệu, được du khách tìm mua làm quà mỗi khi du lịch Quảng Bình.
Nhút – tiếng địa phương gọi là dút – được làm từ tép. Mỗi năm đến khoảng tháng 11 âm lịch , khi ngoài đồng rút nước chuẩn bị vụ đông xuân cũng là lúc vào vụ tép. Trước đây, do phương tiện đi lại khó khăn, số tép bắt được ăn không xuể, bán không hết nên người dân Lệ Thuỷ mới nghĩ ra nhiều cách chế biến và bảo quản chúng. Trong vô số các cách chế biến đó có một cách chế biến mà nhiều người ưa thích, đó chính là món nhút tép.
Cách làm nhút cũng tương tự cách làm mắm tép (ngoài bắc còn gọi là mắm tôm), mắm ruốc. Tuy nhiên, mắm nhút tép đồng khác mắm tôm, mắm ruốc ở chỗ nó thanh hơn, có vị chua hơn và mùi thơm hơn do được trộn với thính chứ không mặn chát và nặng mùi như các loại mắm tôm, mắm ruốc bình thường.
2.5. Bánh tráng Tân An
Nhắc đến làng Tân An, xã Quảng Thanh (Quảng Trạch – Quảng Bình), người ta nghĩ ngay đến bánh tráng, loại nguyên liệu làm nên món cuốn tuyệt vời của vùng đất ven sông Gianh.
Sản phẩm bánh mè xát đã được người dân Tân An làm ra cách đây hơn 100 năm. Gạo làm bánh được chọn từ các loại gạo ngon, ngâm kỹ trong nước lạnh 3-4 giờ rồi vớt ra đãi sạch, cho vào cối nghiền thành bột sền sệt, trộn với mè đã xát vỏ, sau đó đem tráng phơi trên những chiếc phên đan bằng tre, nứa. Khi bánh đã khô, người ta đem vào ủ lại cho mặt bánh phẳng rồi mới bóc khỏi phên và đóng gói mang đi tiêu thụ.
Bánh gồm 2 loại, chủ yếu là bánh dày để nướng và bánh mỏng dùng để cuốn ram (bánh đa nem). Nắm bắt nhu cầu của thị trường, nhiều năm qua người dân nơi đây còn sản xuất ra loại bánh mè xát đường, có vị ngọt, béo và khá dẻo nên rất thuận lợi cho việc vận chuyển xa, khi nướng lên thơm phức. Bánh Tân An thơm ngon, chất lượng cao, giá lại phải chăng nên được nhiều người ưa chuộng mua đặc sản Quảng Bình về làm quà biếu.
2.6. Rượu Võ Xá
Quảng Ninh cũng là địa danh nổi tiếng có nhiều đầm lầy, cát trắng ven biển. Đầm lầy nhiều nhất là ở khu vực làng Võ Xá, đầm lầy nổi tiếng với câu “Sợ nhất Lũy Thầy, sợ nhì đầm lầy Võ Xá” nơi đây từ lâu nổi tiếng với thương hiệu Rượu trắng Võ Xá.
Rượu Võ Xá được sản xuất bằng phương pháp cổ truyền của làng Võ Xá từ hàng trăm năm nay, từ thời Chúa Nguyễn mở mang bờ cõi Phương Nam, là sự kết hợp tinh tế giữa dòng nước tinh khiết của Động Cát Trắng và gạo thôn quê cộng với công thức lên men độc đáo đã cho ra sản phẩm rượu thơm nồng mà không một loại rượu nào có thể so sánh kịp.
Thương hiệu Rượu Võ Xá ra đời vừa góp phần bảo tồn nét văn hoá ẩm thực của Quảng Bình, vừa nâng cao chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của các sản phẩm truyền thống.
2.7. Nước mắm Bảo Ninh
Xã Bảo Ninh là một xã vùng biển của thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), có nghề truyền thống làm nước mắm lâu đời. Người Bảo Ninh tự hào có nhiều đặc sản biển. Nhưng họ tự hào nhất vẫn là nước mắm từ con cá nục mu.
Người trong vùng truyền tai nhau câu thơ: “Nguyên chất nước mắm nục mu/Một thìa giá trị bằng mâm cỗ đầy”. Nục mu là loài cá nhỏ như ngón tay, toàn thân là thớ thịt nạc mềm mại. Lúc làm nước mắm, chỉ mới trộn muối thôi đã thấy rỉ nước huyết đỏ hồng ra ngập cả cá. Loại nước mắm này vừa thơm, vừa ngọt, màu sắc sánh như mật ong thượng hạng.
Ở Bảo Ninh, các lão ngư cao niên còn truyền kể câu chuyện chúa Nguyễn rất thích nước mắm nục mu đã sắc chỉ cho loại nước mắm này đứng đầu các loại nước mắm của xứ biển trong vùng. Những năm đầu thế kỷ XX, nước mắm vùng Bảo Ninh đã xuất đến Huế, Sài Gòn ra Hà Nội, sang cả Lào, mỗi ngày không dưới 30 tấn nước mắm.
Nước mắm Bảo Ninh nức tiếng, đến cả tiến sĩ Rôda, Giám đốc Viện Pasteur Sài Gòn đã làm bản phân tích sinh hóa vào năm 1918 và kết luận, đây là dòng nước mắm cho hàm lượng đạm rất cao và ông khuyên nên dùng dòng nước mắm tinh khiết bằng cách làm thủ công này.
Bởi theo ông, con nục mu như kết hợp các tinh chất của biển. Con cá tuy nhỏ nhưng những phù du nhỏ bé nhiều năng lượng của biển được nó tiêu thụ một cách hoàn hảo… để con người khai thác, chế biến nó trong cái nắng gió của mảnh đất Miền Trung tạo ra thương hiệu nước mắm Bảo Ninh nổi tiếng thơm ngon.
2.8. Dầu lạc nguyên chất
Dầu lạc nguyên chất là một sản phẩm mộc mạc, mang đậm chất quê vừa ngon vừa không có chất bảo quản, để cả năm trời cũng không đổi màu, không lắng cặn rất tốt cho sức khỏe nên được đông đảo khách hàng, đặc biệt là khách du lịch ưa thích.
Hiện nay ở Quảng Bình có 2 thương hiệu dầu lạc nổi tiếng đó là dầu lạc Phong Nha và dầu lạc Nông Việt Minh Hoá. Sản phẩm được làm từ 100% hạt lạc có chất lượng của địa phương được trồng theo mô hình lạc sạch từ phân bón, giống…, được ép nguyên chất, đặc biệt không sử dụng chất làm màu, phụ gia theo quy trình sản xuất dầu nghiêm ngặt, bảo đảm an toàn, chất lượng.
Dầu lạc không chứa cholesterol, có hàm lượng chất chống oxy hóa (polyphenol, resveratrol, phytosterol) giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch và ung thư, ngăn ngừa lão hóa rất tốt cho cơ thể, đã được các cơ quan chức năng chứng nhận; lượng dùng trong chế biến thực phẩm chỉ bằng 1/3 so với các sản phẩm thông thường.
2.9. Mật ong Quảng Bình
Mật ong Quảng Bình rất được ưa chuộng trên thị trường vì đặc tính tốt và lành đối với sức khỏe. Được dùng làm nhiều bài thuốc dân gian chữa bệnh nên mật làm ra đến đâu bán hết đến đó. Mật ong Quảng Bình có 2 loại, một là mật ong rừng nguyên chất xem là đặc sản Quảng Bình hấp dẫn nhất, loại này giá khá đắt và số lượng ít nhưng được nhiều du khách lựa chọn. Loại thứ hai là mật ong rừng nuôi loại này giá mềm mà cũng rất chất lượng.
Vì Quảng Bình có diện tích rừng là 591.411 ha, trong đó rừng tự nhiên 480.212 ha. Là tỉnh đứng thứ hai cả nước về tỷ lệ che phủ rừng lên đến 67,5% có rất nhiều loài hoa không chịu tác động từ hóa chất, ô nhiễm. Đây là điều kiện thuận lợi cho đàn ong sinh sống và lấy phấn làm mật.
Dầu lạc, dầu mè đen, mật ong Phong Nha bạn có thể tại các quầy lưu niệm chuyên đặc sản Quảng Bình ở Trung Tâm du lịch Phong Nha Kẻ Bàng, những cơ sở sản xuất uy tín, không nên mua hàng trôi nổi hoặc những người bán hàng không có địa điểm cụ thể.
2.10. Sâm Bố Chính
Sâm Bố Chính được biết đến đầu tiên tại Quảng Bình cách đây khoảng 300 năm là một trong những sản vật quý được người xưa dùng để tiến vua. Với những giá trị mà sâm Bố Chính mang lại, đây thực sự là món quà đặc sản Quảng Bình ý nghĩa nhất định du khách phải mua.
Sâm Bố Chính hay còn được gọi là: thổ hào sâm, sâm núi, sâm khu năm… có tên khoa học là Abelmoschus sagittifolius, thuộc họ cẩm quỳ. Từ lâu, cây sâm Bố Chính đã được đánh giá là một vị thuốc quý trong dân gian. Với sự phong phú về hàm lượng dinh dưỡng và hoạt chất đặc biệt, rễ củ sâm bố chính mang lại tác dụng tuyệt vời trong y học. Trong Đông Y, sâm bố chính hơi có vị ngọt, tính hàn, rất thích hợp với cơ thể suy nhược, mất ngủ lâu ngày, chữa bệnh lao phổi, kém ăn, trẻ em cam mồm, gầy còm chậm lớn, ngăn chặn các tác nhân gây ra sốt và ho dai dẳng, viêm họng, viêm phế quản, kinh nguyệt không đều, đau lưng, đau mình, hoa mắt, chóng mặt, khí hư…
2.11. Tỏi tía Quảng Minh
Tỏi tía có mặt ở xã Quảng Minh (Thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) từ hơn 70 năm trước. Cây tỏi được trồng ở đây là giống tỏi tía bản địa chứ không trắng tinh như ở vùng đất cát Phan Rang hay Lý Sơn. Tỏi tía Quảng Minh củ chắc, có mùi thơm và vị cay nồng đặc trưng nên được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, giá trị. Cùng với thời gian, sản phẩm này đã chiếm trọn tình cảm của người tiêu dùng và ngày càng khẳng định được thương hiệu riêng của mình.
Từ tỏi tươi với sự sáng tạo và áp dụng khoa học công nghệ, hiện nay Quảng Bình đã cho ra đời sản phẩm Tỏi đen và Rượu tỏi đen. Đây là hai sản phẩm rất tốt cho sức khỏe, có rất nhiều công dụng, do đã được lên men và hoà tan nhiều chất có lợi trong rượu nên càng dễ hấp thụ vì vậy có thể chữa được nhiều bệnh như sau: Phòng chống được lão hoá, có tác dụng bồi bổ sức khoẻ, nâng cao hệ miễn dịch, giúp bảo vệ cơ thể phòng chống bệnh tật, hỗ trợ phòng chống và điều trị các bệnh như: ung thư, tiểu đường, làm giảm cholesterol, mỡ trong máu…
Hầu hết các sản phẩm ẩm thực phục vụ du lịch đều gắn liền với những làng nghề nổi tiếng được hình thành và phát triển cùng với đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư trong lịch sử như: bánh tráng Tân An, xã Quảng Thanh (Quảng Trạch), hải sản khô xã Bảo Ninh, ruốc Hải Thành (Đồng Hới), nước mắm Đức Trạch (Bố Trạch), nước mắm Bảo Ninh, khoai deo Hải Ninh, rượu Võ Xá (Quảng Ninh), tỏi Quảng Minh…
Điều đáng nói, các sản phẩm của các làng nghề không chỉ đơn thuần có giá trị sử dụng và phục vụ cho hoạt động du lịch mà ở đó còn kết tinh các giá trị văn hóa truyền thống đang được người dân Quảng Bình lưu giữ và nâng niu. Khi du lịch Quảng Bình bạn có thể mua sắm đặc sản về làm quà cho bạn bè gia đình người thân tại.